Hăm da là bệnh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Hăm da có những triệu chứng điển hình gì và làm sao để điều trị hiệu quả, mời ba mẹ cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Triệu chứng hăm da ở trẻ
Hăm da là tình trạng da bị nhiễm khuẩn. Hăm da có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể tuy nhiên, thường gặp nhiều nhất là tại các nếp gấp cổ, nách, háng, mông, bộ phận sinh dục… Vi khuẩn phát triển mạnh mẽ trong điều kiện môi trường ẩm ướt, bí bách nhiều mồ hôi. Do vậy các nếp gấp da nếu không được vệ sinh sạch sẽ, sẽ khiến cho vi khuẩn, nấm mốc phát triển và gây hăm da.
Hăm da không phải là bệnh lý nguy hiểm, tuy nhiên lại gây khó chịu cho bé, khiến trẻ quấy khóc, ngủ không sâu giấc. Một số triệu chứng điển hình của tình trạng hăm da ở trẻ mà ba mẹ cần lưu ý:
- Da nổi những mảng ban đỏ, hồng kèm theo nốt mụn nhỏ
- Da ngứa/rát/đau ở vị trí bị hăm
- Khi hăm để lâu ngày nếu không được xử lý sẽ gây loét
- Trong trường hợp vết hăm bị nhiễm trùng, trẻ có hiện tượng sốt do mụn nước có mủ, rỉ nước nhiều.
Trong tất cả các vị trí hăm thì vùng mông bị hăm là tình trạng hay gặp nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ do sự tiếp xúc liên tục với phân và nước tiểu, cùng với đó là sự kích ứng từ một số loại bỉm.
Hăm da sẽ dễ dàng mất đi nếu ba mẹ phát hiện ngay từ sớm và có những biện pháp xử lý phù hợp. Nếu tự điều trị tại nhà không khỏi, ba mẹ cần đưa con đến thăm khám tại bệnh viện để phòng tránh bội nhiễm da cho con.
Vì sao trẻ bị hăm da
Nguyên nhân chính gây hăm da ở trẻ là do sự sinh sôi của vi khuẩn và nấm từ các yếu tố nguy cơ sau đây:
- Trang phục: Thường xuyên cho trẻ mặc đồ bó sát, không thấm hút mồ hôi. Một số loại vải có chất liệu cứng, thô sẽ cọ xát trực tiếp vào làn da mỏng manh của bé.
- Trẻ không được thay bỉm thường xuyên: Khu vực mặc tã luôn trong tình trạng ẩm ướt là môi trường hoàn hảo cho vi khuẩn và nấm sinh sôi phát triển.
- Trẻ vui chơi nhiều ngoài trời nắng khiến cho mồ hôi tiết ra liên tục. Mồ hôi kết hợp với bụi bẩn tích tụ tại các nếp gấp da khiến cho da trẻ dễ bị hăm.
- Trẻ có làn da nhạy cảm: Trẻ sơ sinh mắc các bệnh về da, chẳng hạn như viêm da dị ứng (chàm) hoặc viêm da tiết bã, có thể dễ bị hăm da hơn.
- Ba mẹ không vệ sinh đúng cách cho bé: Chà xát mạnh vào vùng da bị hăm, không lau khô cho bé sau khi tắm,…
Cách phòng ngừa và điều trị hăm da cho bé
Để phòng và điều trị hăm da cho bé, ba mẹ cần lưu ý luôn giữ cho cơ thể bé được khô thoáng sạch sẽ, đồng thời kết hợp điều chỉnh chế độ ăn nhiều rau xanh và cung cấp đủ nước (đặc biệt là vào những ngày nắng nóng), cụ thể:
- Vệ sinh tắm rửa cho bé đúng cách, luôn giữ cho cơ thể bé được khô thoáng và sạch sẽ.
- Lựa chọn quần áo có chất liệu vải mềm mại mịn màng, thấm hút mồ hôi tốt.
- Không để trẻ vui chơi quá lâu ngoài trời nóng, thường xuyên thấm lau mồ hôi cho bé.
- Bổ sung nhiều chất xơ và các loại vitamin từ rau xanh, củ quả.
- Cho trẻ uống đủ nước mỗi ngày, đặc biệt là vào những ngày nắng nóng.
Ngoài ra, ba mẹ cần lưu ý, phòng và điều trị hăm da bằng kem hăm da cho trẻ. Trên thị trường kem hăm có rất nhiều loại, có nguồn gốc từ thuốc tân dược và thảo dược.
Khi sử dụng kem hăm có nguồn gốc từ thuốc tân dược cho bé, ba mẹ cần lưu ý phải tuân thủ đúng quy định từ bác sĩ, dược sĩ. Tuyệt đối không lạm dụng sử dụng trong thời gian dài, điều này không chỉ khiến cho tình trạng hăm da không đỡ mà còn nặng hơn do ức chế sức đề kháng của da.
Khi sử dụng kem hăm có nguồn gốc từ thảo dược, ba mẹ cần lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được Bộ y tế kiểm định về chất lượng. Tránh sử dụng những sản phẩm trôi nổi trên thị trường.
Bài viết trên đây là tổng hợp những thông tin cơ bản về bệnh lý hăm da ở trẻ. Nếu có bất kỳ những thắc mắc nào về cách chăm sóc và điều trị bệnh lý này, ba mẹ hãy để lại lời nhắn tại bình luận hoặc gọi tổng đài: 1800.8060 để được các dược sĩ chuyên môn của Lovin’Skin hỗ trợ kịp thời.