Chàm Sữa Ở Trẻ: Dấu Hiệu Và Cách Chăm Sóc Hiệu Quả

Mẹo Chữa Chàm Sữa Cho Bé Bằng Phương Pháp Dân Gian

Chàm sữa (lác sữa) là bệnh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Bệnh không gây nguy hiểm nhưng lại rất dễ tái đi tái lại liên tục, khiến trẻ khó chịu, quấy khóc. Để hiểu hơn về bệnh lý này cũng như biết cách phòng và điều trị bệnh, ba mẹ cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé.

Những triệu chứng điển hình khi trẻ bị chàm sữa

Chàm sữa là một dạng của viêm da cơ địa thường xuất hiện chủ yếu ở hai má, trán, cằm. Bệnh có xu hướng nặng lên vào mùa đông và tái đi tái lại liên tục. Bệnh chàm sữa ở trẻ sẽ xảy ra lần lượt theo 5 giai đoạn trong khoảng thời gian từ 2-3 tuần với các triệu chứng điển hình sau:

  • Giai đoạn 1: Da bé bắt đầu tấy đỏ, có các mụn nước nhỏ li ti và ngứa. 
  • Giai đoạn 2: Mụn nước xuất hiện ngày một dày và to hơn trên nền da đỏ của bé, thường tập trung thành từng đám.
  • Giai đoạn 3: Các mụn nước to bắt đầu vỡ ra và chảy dịch (đây là giai đoạn da bé dễ bị nhiễm trùng nhất).
  • Giai đoạn 4: Dịch mụn nước khô lại và đóng vảy màu vàng từng mảng trên da bé, sờ vào có cảm giác thô ráp.
  • Giai đoạn 5: Các vảy bong ra và da bé trở lại trạng thái bình thường.

Vì sao trẻ bị chàm sữa?

Theo nghiên cứu từ các nhà khoa học, trẻ bị chàm sữa chủ yếu do 2 yếu tố là cơ địa dị ứng và chất gây kích ứng, cụ thể như sau:

  • Những trẻ được sinh ra trong gia đình có cơ địa dị ứng như hen suyễn, mề đay, dễ bị ngứa do thay đổi thời tiết,… sẽ có nguy cơ mắc chàm sữa cao hơn 80% so với những đứa trẻ khác.
  • Trẻ bị dị ứng từ nguồn thức ăn của mẹ ở giai đoạn mẹ đang cho con bú, và từ chính nguồn thức ăn của trẻ ở giai đoạn trẻ ăn dặm và ăn thô.
  • Trẻ tiếp xúc với các chất gây kích ứng như lông chó mèo, nấm mốc, đồ chơi của trẻ, bột xà phòng.
Chàm Sữa ở Trẻ: Triệu Chứng, Nguyên Nhân Và Cách Chăm Sóc Hiệu Quả
Lông động vật có thể là nguyên nhân gây chàm sữa ở trẻ

Cách chăm sóc da cho bé bị chàm sữa

Mặc dù không quá nguy hiểm nhưng chàm sữa lại là bệnh lý gây khó chịu và ngứa ngáy, khiến trẻ quấy khóc, mất ngủ, thậm chí sốt cao nếu xảy ra tình trạng nhiễm trùng. 

Khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu của chàm sữa, ba mẹ cần lưu ý:

  • Ngăn cách bé và loại bỏ các tác nhân có thể gây kích ứng như lông chó mèo, bột phấn hoa, bột xà phòng, bụi bẩn trong chăn gối, đồ chơi của con…
  • Không nên cho trẻ tắm bằng xà phòng của người lớn. Dùng sữa tắm chuyên dụng cho trẻ có nguồn gốc từ thiên nhiên, dịu nhẹ cho làn da của trẻ. 
  • Nên tắm cho trẻ bằng nước ấm vừa đủ.
  • Luôn giữ cho cơ thể của trẻ được khô thoáng, dùng chất vải thoáng mát, mịn màng, không có nhiều sợi bông.
  • Duy trì độ ẩm trong phòng vừa phải, dùng kết hợp kem dưỡng ẩm cho bé sau mỗi lần tắm gội.
  • Cắt móng tay cho bé thường xuyên để phòng trường hợp bé ngứa gãi làm trầy vết chàm.
  • Theo dõi và kiểm soát chế độ ăn của bé, hạn chế các loại hải sản dễ gây kích ứng như: Tôm, cua, ngao,…
Chàm Sữa ở Trẻ: Triệu Chứng, Nguyên Nhân Và Cách Chăm Sóc Hiệu Quả
Bôi kem dưỡng ẩm giúp giảm kích ứng da do chàm sữa

Trẻ bị chàm sữa có tự hết được không?

Thông thường, một chu kỳ bệnh chàm sữa ở trẻ sẽ kéo dài từ 2-3 tuần (phụ thuộc vào cơ địa của từng bé). Tuy nhiên nếu ba mẹ không chăm sóc đúng cách, trẻ có nguy cơ bị nhiễm khuẩn và sốt, lúc này thời gian điều trị có thể kéo dài đến hơn 4 tuần và để lại những vết thâm sẹo trên da bé.

Chàm sữa ở trẻ thường xuất hiện trong khoảng thời gian từ 2 tháng đến 2 tuổi. Qua 2 tuổi, hệ thống miễn dịch và sức đề kháng của trẻ đã ổn định hơn, lúc này gần như bệnh chàm sữa của trẻ sẽ khỏi hoàn toàn.

Chàm sữa nếu không được chăm sóc đúng cách và cẩn thận, có thể biến chứng sang chàm thể tạng và kéo dài đến khi trẻ dậy thì.

Những sai lầm thường gặp khi chăm sóc trẻ bị chàm sữa

  • Lạm dụng quá nhiều các loại thuốc bôi trị chàm sữa chứa corticoid không theo chỉ dẫn của bác sĩ. Hậu quả là làm giảm sức đề kháng của da với vi khuẩn gây bệnh, khiến da dễ bị tổn thương hơn.
  • Áp dụng một số phương pháp dân gian phản khoa học có thể gây nhiễm trùng vết chàm như: nhai lá đắp trực tiếp lên vết chàm, chà lá tắm lên vết chàm, dùng nước lá trầu không đặc,…
  • Sử dụng thuốc bôi đông y không rõ nguồn gốc, bị pha trộn với thuốc điều trị.
  • Liên tục cho trẻ tiếp xúc và chơi đùa với thú cưng.
  • Cho bé mặc đồ bó sát, chất vải len và sợi tổng hợp gây kích ứng da bé.

Làn da của trẻ nhỏ rất mỏng manh và dễ bị tổn thương do kích ứng. Khi trẻ bị chàm sữa, cha mẹ nên cho con đi khám tại bệnh viện uy tín hoặc tham vấn ý kiến chuyên môn từ các bác sĩ, dược sĩ. Tuyệt đối không tự ý điều trị bằng các mẹo dân gian chưa được kiểm chứng hay các thuốc bôi không rõ nguồn gốc. Chàm sữa ở trẻ không quá nguy hiểm, chỉ cần được chăm sóc đúng cách, vết chàm sẽ nhanh chóng khô lại, bóc vảy và trả lại làn da mịn màng cho bé.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận