Hăm tã là một dạng viêm da cơ địa thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Phát hiện những triệu chứng đầu tiên của bệnh và áp dụng ngay một số mẹo dân gian từ lá cây giúp giảm kích ứng cho bé là một cách làm hay mà ba mẹ có thể tham khảo. Cùng tìm hiểu về một số mẹo chữa hăm tã tại nhà cho bé tại bài viết dưới đây ba mẹ nhé!
Dấu hiệu nhận biết bệnh hăm tã của trẻ
Hăm tã ở trẻ rất dễ nhận biết, ba mẹ chỉ cần để ý một số triệu chứng dưới đây là có thể phát hiện ra:
- Bé tỏ ra khó chịu và quấy khóc mỗi khi mặc bỉm.
- Phần da tiếp xúc với bỉm như mông, bẹn, bộ phận sinh dục có dấu hiệu tấy đỏ, nổi mụn nước li ti.
- Mụn nước chuyển từ màu hồng nhạt sang đỏ và ngày càng to. Nặng hơn chúng có thể vỡ ra, chảy dịch và loét nặng nếu ba mẹ không chăm sóc đúng cách.
Hăm da chia thành 3 cấp độ chính
- Hăm da thể nhẹ: Phần da của bé chỉ có phớt hồng, lác đác ban đỏ, trẻ vui chơi bình thường, không quấy khóc hay khó chịu.
- Hăm da thể trung bình: Phần da tiếp xúc với bỉm tạo thành mảng đỏ lớn, có nhiều mụn nước li ti, trẻ đau, khó chịu và quấy khóc.
- Hăm da thể nặng: Toàn bộ phần mụn nước bị vỡ loét, da sưng tấy đỏ và chảy dịch vàng. Trẻ quấy khóc liên tục, thậm chí sốt do nhiễm khuẩn.
Cách xử lý khi trẻ bị hăm tã
Trẻ bị hăm tã hoàn toàn có thể điều trị khỏi tại nhà nếu ba mẹ nắm được những nguyên tắc sau:
- Kiểm tra và thay bỉm thường xuyên để hạn chế sự tác động của nước tiểu và phân lên da bé.
- Vệ sinh mông cho bé bằng các dung dịch tắm rửa đảm bảo độ PH trung tính.
- Không nên sử dụng giấy ướt cho bé, thay vào đó các Mom chuẩn bị giấy khô và thấm nước ấm để lau cho con.
- Thấm khô mông cho bé sau mỗi lần tắm rửa hoặc vệ sinh thay bỉm.
- Lựa chọn loại bỉm có chất liệu mềm mỏng, thấm hút tốt.
- Cắt móng tay thường xuyên cho bé để hạn chế việc con gãi vào vị trí bị hăm, gây xước da và tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Bổ sung đầy đủ các loại Vitamin A,C,E trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể nói chung và làn da bé nói riêng.
- Trong trường hợp bé bị hăm tã nặng, có thể sử dụng một số loại kem hăm trên thị trường để điều trị.
Một số mẹo dân gian điều trị hăm tã ở trẻ
Mẹo chữa hăm tã cho bé bằng dầu dừa
Dầu dừa chứa nhiều acid béo trung tính có tác dụng kháng viêm kháng khuẩn rất tốt. Ngoài ra trong dầu dừa còn chứa Vitamin E, phytosterol giúp dưỡng ẩm và tăng cường khả năng phục hồi da bị hăm của bé.
Cách sử dụng dầu dừa rất đơn giản. Sau khi tắm cho bé xong, ba mẹ lau thật khô vùng da bị hăm, rồi bôi một lớp mỏng dầu dừa lên da bé, massage nhẹ nhàng để dầu dừa được thẩm thấu tốt.
Mẹo chữa hăm tã cho bé bằng lá sài đất
Theo Đông y, sài đất có vị chua, tính mát, được sử dụng phổ biến trong các trường hợp bị mụn nhọt, ung độc, rôm sảy, mẩn ngứa, hăm da ở trẻ. Theo Tây y, sài đất chứa nhiều hoạt chất có tác dụng kháng viêm kháng khuẩn rất tốt và an toàn như Flavonoid, Saponin,…
Để sử dụng lá sài đất chữa hăm tã cho bé, các mẹ có thể thực hiện theo các bước sau:
- Rửa sạch cây sài đất với nước, sau đó ngâm trong nước muối loãng khoảng 5 – 10 phút để loại bỏ vi khuẩn gây hại.
- Giã nhuyễn lá sài đất (có thể thêm một ít nước để dễ giã hơn).
- Chắt lấy phần nước vừa giã, sau đó thêm khoảng 1 lít nước vào đun sôi trong khoảng 10 phút.
- Sử dụng nước vừa nấu pha loãng với nước ấm và tắm cho bé.
- Trong quá trình tắm, ba mẹ tuyệt đối không cọ xát mạnh vào vùng da bị hăm để tránh làm vỡ mụn nước và làm cho vết loét nặng hơn.
Mẹo chữa hăm tã cho bé bằng lá khế
Chữa mẩn ngứa, hăm tã bằng lá khế là phương pháp rất phổ biến và không còn xa lạ với các Mom. Lá kế có tính mát và lành, chứa nhiều hoạt chất tốt giúp giảm ngứa, kích ứng da do hăm, đồng thời ngăn ngừa nhiễm khuẩn tốt. Các mẹ có thể cho con tắm bằng lá khế thường xuyên, sau khoảng 5 ngày là có thể thấy được hiệu quả.
Mẹo điều trị hăm tã bằng phương pháp dân gian chỉ có tác dụng trong trường hợp bé mới bị hoặc bị nhẹ. Nếu trẻ có dấu hiệu loét và sốt, quấy khóc liên tục thì cần điều trị bằng thuốc. Phương pháp dân gian được áp dụng trong trường hợp này không chỉ không mang lại tác dụng mà còn bỏ lỡ thời điểm phòng nhiễm khuẩn cho con, khiến bệnh kéo dài và tiến triển nặng hơn.
Nếu có bất kỳ những thắc mắc nào về cách chăm sóc và điều trị bệnh lý này, ba mẹ hãy để lại lời nhắn tại bình luận hoặc gọi tổng đài: 1800.8060 để được các dược sĩ chuyên môn của Lovin’Skin hỗ trợ kịp thời.